Các mẹ đều biết sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ . Rất nhiều mẹ muốn con nhận được nguồn sữa mẹ ngay từ khi chào đời. Nhiều mẹ không chỉ mong đủ sữa, mà còn mong sữa đặc và vàng. Mẹ nghĩ sữa đặc và vàng mới đủ dinh dưỡng cho con. Vậy cách làm sữa mẹ đặc và vàng là gì? Cùng bác sĩ tìm hiểu trong bài viết này nhé!
NỘI DUNG
Yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc và tính chất sữa mẹ
Yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc sữa mẹ
Sữa mẹ thường có màu trắng, kem, vàng… Thỉnh thoảng có màu khác như xanh nhạt, cam, hồng… phụ thuộc vào từng người, giai đoạn của sữa và thức ăn mẹ ăn hằng ngày.
Mỗi người có màu sữa khác nhau. Màu sữa bình thường của bà mẹ này có thể không giống như bà mẹ khác. Mẹ không nhất thiết phải đi ra ngoài so sánh các nốt màu với những bà mẹ cho con bú xung quanh.
Tùy vào giai đoạn. Sữa non được tiết ra những ngày đầu sau khi sinh. Đôi khi sữa non trong, loãng, có nhiều nước. Nhưng thường có màu vàng, cam và đặc. Trong 2 tuần tiếp theo, sữa mẹ tăng sản xuất, chuyển từ vàng sang trắng gọi là sữa chuyển tiếp. Sau khoảng 2 tuần, mẹ chuyển sang giai đoạn tạo sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành có thành phần hoàn hảo cho sự phát triển của bé. Màu sắc sữa trưởng thành dựa vào lượng chất béo có trong sữa mẹ và những gì mẹ ăn hằng ngày. Sữa đầu thường màu trắng, nhạt hơn sữa cuối.
Màu sữa mẹ thay đổi theo thức ăn. Sữa sẽ có màu xanh nếu mẹ ăn nhiều rau xanh, rong biển, nước ngọt có phẩm màu xanh. Sữa màu vàng cam nếu mẹ sử dụng nhiều cà rốt, khoai lang, bỉ đỏ, gấc. Sữa mẹ có thể chuyển hồng hoặc đỏ nếu ăn nhiều thực phẩm chứa màu này. Đôi khi có lẫn chút máu làm sữa đỏ, nâu, hoặc như gỉ sắt…
Yếu tố ảnh hưởng đến độ đặc của sữa
Sữa đặc hay loãng tùy vào chất béo có trong sữa. Theo giai đoạn, sữa khác nhau trong ngày thậm chí trong cùng 1 cữ sữa. Sữa non đặc hơn sữa trưởng thành do lượng chất béo có trong sữa. Với sữa trưởng thành: Sữa đầu thường loãng, màu nhạt, vì loãng nên có thể hơi xanh. Sữa đầu loãng và ngọt hơn do chứa nhiều nước và lactose. Khi mẹ cho con bú, hàm lượng chất béo trong sữa tăng lên. Sữa cuối đặc, vàng hơn hơn do ít nước và nhiều chất béo.
Màu sắc của sữa ảnh hưởng đến cảm nhận sữa đặc hay loãng. Sữa mẹ có màu vàng, vàng cam, vàng nâu… sẽ có cảm giác đặc hơn sữa có màu trắng, hơi xanh, hoặc hơi hồng.
Cách làm sữa mẹ đặc và vàng?
Như đã phân tích ở trên, nếu mẹ muốn sữa đặc và vàng thì cách làm sữa mẹ đặc và vàng là:
- Hút sữa non, sữa cuối sẽ vàng và đặc.
- Có chế độ ăn nhiều thực phẩm chứa caroten . Mẹ ăn khoai lang, gấc, bí đỏ, đu đủ, cà rốt… caroten sẽ đi ra theo sữa làm sữa mẹ có màu vàng cam.
- Ăn thực phẩm nhiều chất béo. Độ đặc sữa trưởng thành dựa vào lượng chất béo có trong sữa mẹ và những gì mẹ ăn hằng ngày. Đây cũng là lý do dân gian hay khuyên các bà mẹ sau khi sinh ăn chân giò hầm. Chân giò chứa nhiều chất béo làm cảm giác sữa đặc hơn. Nhưng thực tế thì chân giò nhiều chất béo bão hòa không cần thiết, dễ làm mẹ tích mỡ. Thêm nữa, chất béo nhiều trong sữa cũng dễ khiến mẹ bị tắc tia sữa.
Sữa mẹ không cần đặc và vàng vẫn đủ dinh dưỡng cho bé
Sự thật là, sữa mẹ không cần đặc và vàng vẫn đủ dinh dưỡng cho bé.
Sữa non thích hợp cho sự phát triển trong những ngày đầu đời của trẻ.
Sữa đầu loãng, nhạt nhưng có nhiều nước và lactose. Nước trong sữa mẹ chiếm 89%, đủ nhu cầu cho bé. Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mà không cần bổ sung bất kì thứ gì kể cả nước uống. Lactose giúp cung cấp năng lượng, hỗ trợ phát triển não bộ, tăng cường khả năng hấp thụ canxi, dễ tiêu hóa, hỗ trợ phát triển cho hệ vi sinh đường ruột.
Sữa cuối đặc và màu đậm hơn, chứa nhiều chất béo cung cấp năng lượng cho sự phát triển cơ thể, hoàn thiện não bộ và thị giác.
Cả sữa non, sữa đầu và sữa cuối, dù đặc hay loãng vẫn cần thiết cho sự phát triển toàn diện của em bé.
Màu sắc sữa mẹ có thể thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn hằng ngày của mẹ. Nhưng dù có màu gì thì vẫn an toàn và đầy đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của bé. Trừ một số trường hợp sữa mẹ có lẫn máu lâu ngày không lành, mẹ bị nhiễm trùng, sữa mẹ màu đen…thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Còn lại, màu sắc sữa và chế độ dinh dưỡng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sữa mẹ.
Đọc thêm đặc điểm sữa mẹ – nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho con .
Lời khuyên của bác sĩ
Cả sữa non, sữa đầu loãng và nhạt, sữa cuối đặc và đậm, vẫn rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của em bé. Màu sữa vàng, xanh hay hồng, trắng đều không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ luôn ổn định nếu mẹ không kiêng khem quá mức. Mẹ nên ăn cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Việc của mẹ là quan tâm đến mẹ có đủ sữa và bé có bú đúng để tận dụng được nguồn sữa mẹ hay không. Sữa nhiều hay ít phụ thuộc vào 2 yếu tố chính:
Yếu tố hormon:
Mẹ cần có tinh thần vui vẻ, hạnh phúc, ngủ đủ giấc, âu yến bé khi cho bé bú, những cung cảm từ mún vú khi con bú trực tiếp sẽ tiết ra hormon prolactin và oxytocin tăng tạo và bài suất sữa.
Mẹ nên tránh các căng thẳng, stress tâm lý, nghi ngờ bản thân và bớt về sữa của mình… vì sữa mẹ luôn đầy đủ dưỡng chất cho bé.
Yếu tố cung cầu: Mẹ cho bé bú hoặc hút sữa càng nhiều thì cơ thể mẹ sẽ ngầm hiểu rằng nhu cầu của bé tăng lên, sẽ tăng tạo sữa. Nếu để sữa luôn dư trong bầu ngực, bé không bú thường xuyên thì cơ thể mẹ ngầm hiểu rằng đang sản xuất dư, và “đình công”, giảm lượng sữa lại khiến mẹ dễ mất sữa. Để duy trì lượng sữa cho bé, mẹ nên:
- Mẹ nên cho bé bú trực tiếp theo nhu cầu.
- Hút sữa khi bé không thể bú trực tiếp.
Hi vọng bài viết trên đây đã giải đáp được những thắc mắc của mẹ về màu sữa đặc và vàng. Đọc thêm kiến thức về sau sinh và cho con bú tại đây.
Bác sĩ chúc mẹ luôn giữ được dòng sữa ngọt lành nhất cho bé yêu của mình.
Nguồn tham khảo: wicbreastfeeding.fns.usda.gov, breastfeeding.asn.au, llli.org , who.int , cdc.gov
Bác sĩ Vi Thị Tươi