Các mẹ đang có con ăn dặm thường chỉ cho vài giọt dầu ăn vào mỗi chén cháo cho bé. Lượng chất béo cho trẻ ăn dặm như vậy là không đủ. Mỗi chén cháo phải có khoảng 1 thìa canh (thìa ăn cơm người lớn) dầu ăn mẹ nhé! Nhiều mẹ thắc mắc, rằng bác sĩ hướng dẫn ăn nhiều dầu thế sao con ăn được? Nhưng bé vẫn ăn được, lại còn ăn ngon mà đủ chất nữa.
Lượng chất béo cho trẻ ăn dặm
Sau 6 tháng tuổi, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng lên. Sữa mẹ không phải là không còn chất, sữa vẫn là nguồn cung cấp năng lượng lớn trong ngày cho bé. Tuy nhiên không đủ cho nhu cầu càng ngày càng tăng của con. Mẹ cần phải cho trẻ ăn dặm thêm thức ăn dặm; để bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng khác.

Nhu cầu khuyến nghị về lượng chất béo cho trẻ ăn dặm là rất cao:
- Đối với tất cả trẻ dưới 6 tháng tuổi, năng lượng do lipid cung cấp là 40-60 % tổng số năng lượng.
- Đối với trẻ 6 tháng đến 2 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 30 – 40%. Trong đó, để dễ nhớ, 6 tháng đến 1 tuổi là 20-30g/ngày và 1-2 tuổi là 30-40g/ngày.
- Trong khi người lớn chỉ cần khoảng 20 – 25% chất béo trong khẩu phần.
Vai trò của chất béo với tăng trưởng của trẻ
- Cung cấp nguồn năng lượng
Chất béo cung cấp nhiều năng lượng nhất trong số các chất dinh dưỡng sinh năng lượng. Một gam chất béo cung cấp 9 kcal. Trong khi một gam chất bột đường hoặc chất đạm chỉ cung cấp 4 kcal.
Với đặc điểm là chứa năng lượng cao, thể tích thấp; thích hợp để bổ sung cho bé trong giai đoạn ăn dặm; vì dạ dày của bé còn nhỏ, không chứa được nhiều thức ăn.
- Hoàn thiện hệ thần kinh
Trong giai đoạn ăn dặm, nhu cầu chất béo giảm hơn so với giai đoạn trước; nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ quan trọng trong khẩu phần; để phục vụ cho sự myelin hóa các dây thần kinh trong toàn cơ thể. Hệ thần kinh của trẻ đã hoàn thiện về cấu trúc và đạt 75% kích thước của người trưởng thành lúc trẻ được 2 tuổi.
- Hấp thụ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K
Các vitamin này có vai trò quan trọng trong phát triển não bộ; thị giác; phát triển xương và răng; tăng cường miễn dịch cho bé. Nếu không ăn đủ chất béo, mẹ có bổ sung thêm thực phẩm chức năng chứa các vitamin này thì bé cũng khó hấp thu được.
Lượng chất béo cho trẻ ăn dặm trong mỗi bữa
Khi được 7 tháng tuổi trở lên, hầu hết các bé đã có thể ăn đa dạng các loại thực phẩm. Mỗi bữa ăn cần có đầy đủ các nhóm chất: Bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất với lượng như sau:
- Gạo: Nấu 30g gạo 150 – 200nl nước để tạo độ đặc theo lứa tuổi.
- Thịt: 30g tương đương 1 muỗng canh đầy.
- Rau củ quả: 30g tương đương 2 muỗng canh đầy.
- Dầu, mỡ: 10g tương đương với 1 muỗng canh đầy. Nếu em bé nào suy dinh dưỡng, mẹ khuyến mãi thêm 1 muỗng dầu ăn nữa. Đến khi em bé về cân nặng bình thường thì chúng ta điều chỉnh lại 1 muỗng.

Nếu không nấu cháo theo kiểu ăn dặm truyền thống, mẹ có thể cho bé ăn dặm kiểu gì cũng được. Dù là kiểu Nhật, ăn dặm bé tự chỉ huy, hay kiểu nào đi chăng nữa, hãy đảm bảo đủ dầu cho con nhé!
Đọc tới đây nhiều mẹ sẽ ngạc nhiên lắm. Bảo sao bác sĩ dinh dưỡng bày cho nhiều dầu ăn thế sao bé ăn được? Mẹ đừng lo. Bé vẫn ăn ngon lành và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển của bé nhé!
Đa số các mẹ đều thiếu chất béo cho con.
Nhiều mẹ hay hỏi con em ăn nhiều, ăn rất tốt nhưng mãi không tăng cân; có phải con em kém hấp thu không? Thực chất, mẹ nhìn thấy con ăn nhiều chỉ là tính về số lượng. Còn chất lượng không đủ thì con sẽ không tăng cân. Có thể do khẩu phần ăn không cân đối, đậm độ chén cháo không đủ nên thấy ăn nhiều mà không đủ. Đa số là do mẹ kiêng cữ chất béo cho con. Mỗi bữa ăn chỉ dùng vài giọt dầu dành riêng cho trẻ em. Mẹ nào tiến bộ hơn thì cho được nửa muỗng đến một muỗng cafe.
Có mẹ bảo ăn dặm cho ít dầu thôi, sữa đã đủ chất béo cho bé rồi. Đúng là sữa nhiều chất béo. Nhưng tính tỷ lệ chất béo đó trên tổng nhu cầu năng lượng lại không đủ. Bé thì vẫn thiếu mẹ nhé!
Mẹ có biết, sữa mẹ có 55% là chất béo. Nếu mẹ nếm thử sẽ thấy nhạt nhạt, béo béo, ngai ngái khó uống lắm. Nhưng béo nhiều thế, em bé đâu có biết chê. Ngược lại, em bé nào mới chào đời cũng bú mẹ theo bản năng, xem đó là nguồn thức uống ngọt lành nhất trên đời. Nguồn sữa ngọt lành đó nuôi em hoàn toàn trong 6 tháng đầu mà không cần phải bổ sung thêm bất kì thức uống gì kể cả nước đó hay sao.
Mẹ có để ý nhiều bé, ăn thịt gà chỉ muốn xé phần da, phần mỡ. Với người lớn đó là ngán, không ngon, không tốt nhưng theo bản năng, bé biết đó là thức ăn bé cần.
Một số lưu ý khi sử dụng chất béo cho bé
Không nhất thiết phải dùng hoàn toàn dầu dành riêng cho trẻ em
Mẹ dùng dầu nào cũng được. Nên thay đổi đa dạng các loại. Các loại dầu trẻ em thường là dầu mè, dầu cá, dầu oiu… được quảng cáo là giàu omega 3, ít chất béo bão hòa, giúp bé phát triển não bộ và thị giác… Đúng là các loại trên có thành phần như được quảng cáo.
Tuy nhiên, bé không cần nhiều đến thế. Và việc dùng 1 thìa đầy chỉ dầu oliu hay dầu cá…làm có mùi tanh khá khó ăn. Mẹ có thể kết hợp nhiều loại với nhau. Dùng thêm dầu mà gia đinh hay dùng. Miễn sao tổng lại đủ 1 muỗng canh dầu/mỡ cho bé mẹ nhé!
Dùng cả dầu và mỡ

Cần lưu ý về cơ cấu chất béo trong khẩu phần trẻ: Do cơ thể trẻ đang phát triển nhanh, rất cần acid arachidonic, một acid béo không no có nhiều trong mỡ động vật. Do đó, tỷ lệ cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật được khuyến nghị là 70% và 30%.
Ngay cả khi thức ăn bổ sung của trẻ thường được cho thêm thịt, cá, trứng, vốn đã có một lượng nhất định chất béo động vật rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chất béo cho lứa tuổi này. Vì thế, khi chế biến vẫn cần phải cho thêm vào khẩu phần của trẻ cả dầu thực vật và mỡ động vật theo tỷ lệ một bữa dầu, một bữa mỡ.
Để ý loại dầu đang dùng có chịu nhiệt được không
Tùy vào loại dầu mà mẹ cho vào thức ăn lúc nóng hoặc nguội. Mẹ để ý đọc kĩ hướng dẫn trên chai. Đa số các loại dầu đậu nành, mỡ động vật, dầu có ghi cooking oil… cho được vào lúc đồ ăn đang nóng. Một số dầu oliu, dầu hạt cải…có ghi salat thì chỉ nên thêm vào sau khi thức ăn nguội.
Chất béo cần tránh
Một số chất béo cần phải tránh đó là chất béo chuyển hóa trong: thức ăn chế biến sẵn, bánh kẹo, các loại dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Dầu chuyên dùng để trộn mà mẹ đun trên nhiệt độ cao có thể làm biến đổi và không tốt cho sức khỏe.
Đọc thêm các bài viết về ăn dặm tại đây.
Hi vọng bài viết đã giúp các mẹ hiểu rõ hơn về lượng chất béo cho trẻ ăn dặm. Và không mẹ nào lăn tăn mà bỏ vài giọt dầu vào cháo cho bé nữa nhé!
Chúc mẹ và bé luôn bình an, hạnh phúc và khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo: Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam , who.int …